Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 5/9, tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn đã cải thiện ở châu Âu và Trung Quốc vào năm ngoái, trong bối cảnh lượng khí thải liên quan đến hoạt động của con người giảm.

Bài viết liên quan đến ô nhiễm không khí

Thông qua việc phân tích dữ liệu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận thấy trong năm 2023, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Nam Á và một số khu vực của Đông Nam Á đã tăng lên. Trong khi đó, Trung Quốc và châu Âu ghi nhận nồng độ bụi mịn thấp hơn mức trung bình. Cụ thể, dữ liệu cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Trung Quốc và châu Âu đã giảm đi so với giai đoạn tham chiếu 2003 – 2023. Nhà khoa học của WMO, ông Lorenzo Labrador đánh giá xu hướng giảm ô nhiễm ở châu Âu và Trung Quốc là do lượng khí thải thấp hơn ở các quốc gia này trong những năm qua.

LHQ: Ô nhiễm không khí giảm ở châu Âu và Trung Quốc - Ảnh 1.

Báo cáo của WMO cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ở Mỹ không thay đổi, mặc dù các vụ cháy rừng ở Bắc Mỹ vào năm 2023 đã tạo ra lượng khí thải lớn so với hai thập kỷ trước. Ngoài ra, các khu vực bán đảo Arập và Bắc Phi cũng ghi nhận lượng khí thải bụi mịn thấp hơn bình thường.

Theo WMO, các hóa chất gây ô nhiễm khí quyển thường được thải ra cùng lúc với khí nhà kính. Vòng lặp của biến đổi khí hậu, cháy rừng và ô nhiễm không khí đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, hệ sinh thái và nông nghiệp. Trong thông cáo báo chí, Tổng thư ký WMO, bà Ko Barrett cũng nhấn mạnh biến đổi khí hậu và chất lượng không khí là hai vấn đề liên quan chặt chẽ và cần được giải quyết cùng nhau.

Những hạt bụi cực nhỏ (còn gọi là bụi mịn PM2.5) có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, có thể xâm nhập vào cơ thể người, ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe nếu hít phải trong thời gian dài. Bụi mịn bắt nguồn từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch, giao thông, công nghiệp, cũng như các vụ cháy rừng, bụi từ gió sa mạc thổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện cứ 10 người thì có tới 9 người đang hít thở không khí có mức ô nhiễm cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]