Site icon MBET

Góc nhìn 365: Chờ một “con đường di sản” cho vùng cao

Góc nhìn 365: Chờ một "con đường di sản" cho vùng cao - Ảnh 1.

Một thông tin quan trọng: Ít ngày trước, Công viên địa chất Lạng Sơn đã được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết thông qua và công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Như vậy, đây là Công viên địa chất thứ 4 của Việt Nam được ghi danh vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Đặc biệt, trong số đó có tới 3 trường hợp nằm tại các tỉnh miền núi phía Bắc, cụ thể là Hà Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng.

Được thành lập năm 2021, Công viên địa chất Lạng Sơn trải dài trên 8 huyện và thành phố của địa phương này với diện tích gần 5000 km2. Từ những di vật có niên đại cách đây nhiều ngàn năm – cũng như các hóa thạch của hệ động, thực vật khổng lồ như cá sấu, rùa, thực vật hạt kín, các nghiên cứu cho thấy khu vực này từng là biển Đông trong thời cổ đại, và cũng là một trong những cái nôi của người Việt cổ.

Bên cạnh những giá trị về vận động địa chất đó, sức sống của quần thể này còn được tạo dựng trong quá trình cư trú, phát triển của cộng đồng, với nhiều thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc – mà điểm nhấn quan trọng trong số đó là sự xuất hiện của hát Then và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, 2 di sản từng được UNESCO ghi danh ở cấp thế giới.

Và, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO, Công viên địa chất Lạng Sơn cũng đã có những “bước chạy đà” khá cơ bản của địa phương để bước đầu khai thác tiềm năng. Điển hình trong số đó là việc 4 tuyến du lịch đã được triển khai tại 38 điểm đến khác nhau, với những cái tên Khám phá thế giới Thượng ngàn, Hành trình về miền Thiên giới, Khám phá Thủy cung, Cuộc sống dân dã nơi trần thế…

***

Nhìn lại, năm 2010 là thời điểm Việt Nam lần đầu tiên có một Công viên địa chất được UNESCO ghi danh với trường hợp của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Sau 15 năm, bên cạnh việc tăng thêm về số lượng công viên địa chất toàn cầu, nhận thức chung của cộng đồng về giá trị của “danh hiệu” này cũng đã có sự phát triển.

Ở đó, niềm vui về một “danh hiệu” quốc tế cũng đồng thời mở ra những hi vọng về phát triển du lịch ở các địa phương vùng cao – vốn thường gặp khó khăn về kinh tế. Và thực chất, UNESCO cũng từng khẳng định: Một trong những mục đích chiến lược của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu này là việc tạo cơ hội phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa bền vững cho những khu vực được ghi danh.

Để rồi, trên thực tế, nhiều mô hình phát triển du lịch tại các công viên địa chất toàn cầu cũng đã xuất hiện, với sự đa dạng và tìm tòi. Đơn cử, vào tháng 4 vừa qua, phía Hà Giang đã kết nối với Cao Bằng để tổ chức chương trình du lịch có tên “Một cung đường – hai điểm đến công viên địa chất toàn cầu”. Theo đó, du khách sẽ được trải nghiệm những chuyến tham quan đặc biệt, mang giá trị quảng bá cho những điểm đến thuộc 2 công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng.

Bây giờ, với trường hợp vừa được ghi danh tại Lạng Sơn, rõ ràng không gian này hoàn toàn có thể hợp tác với 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng để mở rộng “cung đường” của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nói cách khác, giống như “con đường di sản” đã được hình thành tại các tỉnh miền Trung hiện tại, đó là sự kết nối mang theo những tiềm năng lớn để phát triển du lịch, cũng như định vị thương hiệu văn hóa cho các địa phương này.

Và cuối cùng, cũng cần nhắc lại, trong đợt làm việc với tỉnh Lạng Sơn vào tháng 7 vừa qua, các chuyên gia của UNESCO từng khuyến nghị: Công viên địa chất Lạng Sơn cùng các công viên địa chất khác ở khu vực phía Bắc của Việt Nam cần có sự hỗ trợ, bổ sung để cùng nhau phát triển, thay vì cạnh tranh trực tiếp.

Exit mobile version