Site icon MBET

“Gói gọn” lịch sử Việt Nam qua 2.000 hình ảnh

"Gói gọn" lịch sử Việt Nam qua 2.000 hình ảnh - Ảnh 1.

Trong khi các nước phát triển đều có những cuốn sách lớn để truyền bá lịch sử quốc gia bằng hình ảnh thì tại Việt Nam, một công trình tương đối “chuẩn chỉ” theo dạng này cũng vừa được phát hành: Lịch sử Việt Nam bằng hình.

1. Thực tế, trước Lịch sử Việt Nam bằng hình, nhiều cuốn sách gắn với lịch sử Việt Nam có sử dụng tranh ảnh đã được xuất bản. Tuy nhiên, đa phần đó là những cuốn sách dành cho thiếu nhi, có nội dung không dài, được thực hiện ở góc độ khái quát và phần tranh vẽ hoặc ảnh minh họa cũng khá đơn giản.

Cuốn sách vừa được Công ty Đông A và NXB Đại học Sư phạm ấn hành thì lại khác. Dày gần 700 trang với khoảng 2.000 hình ảnh, đây là công trình được biên soạn khá công phu trong 8 năm, với định dạng khá hiện đại và mở rộng tới mọi đối tượng độc giả.

“Định dạng của sách khá gần với Lịch sử vương quốc Anh qua hình ảnh – một cuốn sách kinh điển rất nổi tiếng, do tập đoàn xuất bản DK của Anh ấn hành. Khá thú vị, trong một lần tiếp xúc với chúng tôi và được xem bản mẫu của cuốn sách, phía DK cũng đánh giá nó rất cao” – anh Đỗ Quốc Đạt Nhân, Trưởng ban biên tập của Đông A, cho biết.

Thực tế, trong buổi ra mắt sách tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cuối tuần trước, GS-TS sử học Trần Thị Vinh, người từng được NXB Macmillan (Mỹ) đặt hàng để viết cuốn một lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh, cũng đánh giá Lịch sử Việt Nam bằng hình có chất lượng không thua kém gì nhiều cuốn sách tương tự trên thế giới. Như chia sẻ của bà, những bộ sách lịch sử có sử dụng hình ảnh chứng thực đang ngày xác lập được chỗ đứng trong đời sống xuất bản nhờ những ưu thế của mình.

Về cơ bản, Lịch sử Việt Nam bằng hình phác họa bức chân dung toàn cảnh của Việt Nam, xuyên suốt từ thời xuất hiện các cư dân cổ xưa đầu tiên trên lãnh thổ cho đến khi hình thành một quốc gia hiện đại như ngày nay. Tác phẩm cũng cung cấp đầy đủ thông tin nổi bật về các lớp văn hóa Việt Nam, về những trận đánh nổi tiếng hay các danh nhân lịch sử qua từng giai đoạn.

Đáng nói, kết cấu hiện đại của sách – trong đó có cả phần giới thiệu nội dung của các chương trước và sau mỗi phân đoạn – cho phép người đọc có thể chủ động tiếp cận với nội dung cuốn sách một cách linh hoạt tùy theo sự quan tâm hoặc nhu cầu. Bên cạnh đó, mỗi phần sách đều có thêm bài khái quát vắn tắt tình hình Trung Quốc và phương Tây ứng với từng giai đoạn lịch sử trong nước, để độc giả có sự liên hệ và đối chiếu.

Trong khi đó, điểm làm nên nét đặc sắc của sách là kho tư liệu ảnh hiện vật phong phú, đa dạng, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử, được sưu tập từ các bảo tàng trong nước, ngoài nước và các bộ sưu tập tư nhân. Các di tích, chùa, đền, tượng đài gắn liền với tên tuổi các danh nhân lịch sử cũng hiện diện trong cuốn sách này dưới dạng ảnh chụp.

2. Như lời kể, ý tưởng thực hiện cuốn sách này từng được ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Đông A, đưa ra từ cuối những năm 2000. Để rồi, vào năm 2015, phía công ty bắt đầu chủ động xây dựng bản thảo, sau khi không tìm được một nhóm tác giả nào đủ điều kiện để đáp ứng nội dung theo yêu cầu.

Thực tế, để hoàn thành bộ sách, phía Đông A đã mời đội ngũ cố vấn là 12 chuyên gia – trong đó riêng ở lĩnh vực lịch sử là những tên tuổi như PGS-TS Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), PGS-TS Trần Trọng Dương, các TS Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Việt…

Để rồi, dù không thuộc dạng hàn lâm, nhưng những nội dung được trình bày trong Lịch sử Việt Nam bằng hình đều có độ chính xác cao và được “cập nhật” khá tốt theo những quan điểm lịch sử hiện đại. Đó là những cái nhìn tương đối bao dung về Hồ Quý Ly và vương triều Mạc, là những phát hiện về thời đồ đá cũ ở Kon Tum (vốn chưa được cập nhật trong nhiều công trình nghiên cứu khác)…

Điển hình, một thay đổi được nhiều học giả đánh giá cao: Phía biên soạn sách đã sử dụng khái niệm “cục diện các sứ quân” khi nói về giai đoạn hậu Ngô Vương trong lịch sử Việt Nam – thay vì “loạn 12 sứ quân” như thường thấy. Theo chia sẻ của Đỗ Quốc Đạt Nhân, điều này đến từ những tư vấn và nghiên cứu của PGS Trần Trọng Dương, cho rằng con số “12” trong sử liệu nặng về tính ước lệ và chưa hẳn trùng khớp với lịch sử.

Nhiều câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở phần tranh ảnh minh họa. Như lời kể, Giám đốc Trần Đại Thắng của Đông A đã rất công phu tới công viên Tao Đàn (TP.HCM) để chụp bức tượng Đinh Bộ Lĩnh trong nhiều thời điểm, nhằm chọn ra bức hình đẹp nhất. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới nhất, câu chuyện “cờ lau tập trận”gắn với bức ảnh này mang nặng tính truyền thuyết dân gian và chưa hẳn có thực, nên phía biên tập chọn thay bằng bức ảnh chụp tượng Đinh Tiên Hoàng khi đăng quang.

“Nhìn chung, các bức ảnh trong sách đều được chúng tôi biên soạn khá công phu và cố gắng đáp ứng các tiêu chí về khoa học một cách tốt nhất. Chẳng hạn, để có được một số bức ảnh chụp cổ vật Việt Nam tại các bảo tàng nước ngoài, anh Trần Đại Thắng đã 3 lần qua châu Âu và gần như tìm đến mọi bảo tàng” – biên tập viên Đạt Nhân chia sẻ – “Hoặc, có một số bản đồ và tượng thuộc các bộ sưu tập tư nhân có tính thẩm mỹ cao nhưng chưa đủ độ chân xác về xuất xứ, chúng tôi dù tiếc nhưng không sử dụng để thay bằng các lựa chọn khác”.

Dự kiến, sau phiên bản mới phát hành, phía Đông A cũng đang lên các kế hoạch tổ chứcLịch sử Việt Nam bằng hình phiên bản rút gọn, dành cho thiếu nhi, hoặc dịch sách sang tiếng Anh để tiếp cận rộng rãi với nhiều đối tượng.

Exit mobile version