Có thể nói NSND Lệ Thủy đã là một huyền thoại của nghệ thuật cải lương, nhưng không bao giờ nề hà chuyện sân khấu lớn nhỏ, ngay cả hội chợ cũng hát, vì bà quan niệm đó là nhiệm vụ không thể chối từ của người nghệ sĩ. Bà đang ráo riết tập luyện tại live show cải lương Đêm huyền thoại sẽ diễn ra lúc 19h ngày 30/8 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn.
Nhân dịp này, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện ngắn với NSND Lệ Thủy.
* Thưa cô, trong chương trình sắp tới, dẫu chỉ hát trích đoạn, nhưng cải lương buộc người nghệ sĩ phải nhớ số lượng chữ rất lớn, gồm cả lời ca và lời thoại. Hiện tại cô và các NSND Ngọc Giàu, Minh Vương, Trọng Hữu… đã xấp xỉ 80. Với độ tuổi này, liệu các nghệ sĩ có còn đủ sức hát trọn vẹn không, thưa cô?
– Thú thật là hiện nay sức hát của chúng tôi chỉ còn chừng 40% so với thời hoàng kim. Chúng tôi không thể thoát khỏi quy luật thời gian và chuyện “thầy giáo già, con hát trẻ”. Thế nhưng cho đến nay thế hệ chúng tôi vẫn còn lượng khán giả yêu mến đông đảo, họ thừa hiểu chúng tôi đã yếu sức rồi, chỉ mong được gặp mặt và giao lưu là chính. Trên tinh thần đó, ông bầu trẻ Gia Bảo thường xuyên tổ chức các đêm diễn tương tự. Riêng cá nhân tôi, hai trích đoạn kể trên đã đi vào tâm khảm, nên không là thách thức.
* Nói thế thì cô có sự chọn lựa khi nhận lời tham gia chương trình, hoặc vì tình cảm khán giả mà luôn sẵn sàng trình diễn bất kỳ nơi đâu?
– Con trai tôi, Dương Đình Trí, cũng là quản lý của tôi. Trí sẽ cân nhắc để tôi tham gia những đêm diễn phù hợp với sức khỏe và khả năng của tôi, chứ tự tôi thì khó mà từ chối khán giả hâm mộ mình.
Bản thân Trí cũng có khả năng tổ chức chương trình và khá thành công với Bước chân hai thế hệ. Đây là chương trình được tổ chức mỗi năm 1 lần với sự đầu tư công phu và có nhiều nghệ sĩ tài năng tham gia. Tính ra, hàng năm tôi cũng diễn khá nhiều. Với người nghệ sĩ, được hát là niềm vui lớn nhất, đôi khi quên cả tuổi tác và sức khỏe.
* Đã là ngôi sao tiền bối, cô có dõi theo bước chân thế hệ cải lương trẻ và có nhận xét thế nào về họ?
– Qua các em đã hát với tôi, cũng như các em tham gia các kỳ thi cải lương, tôi có nhận xét chung là các em có giọng hát hay. Vấn đề là các em không có nhiều cơ hội trình diễn so với thế hệ chúng tôi. Thời của chúng tôi là lúc cải lương đang ở đỉnh cao, có những vở diễn chúng tôi diễn cả ngàn suất. Nhờ hát nhiều mà chúng tôi có cơ hội nâng cao kỹ năng, biết được cách hát nào, lối diễn nào khán giả thích để điều chỉnh. Hát riết thành điêu luyện và có bản sắc riêng.
Giờ đây, cả năm trời đoàn mới dựng một tuồng mới, hát chừng 4-5 đêm là ngưng. Thời gian quá ít ỏi để các em phát huy hết thế mạnh của mình. Muốn cải lương khỏe mạnh hơn, tôi nghĩ, phải có sự đầu tư lớn từ nhà nước. Đây là niềm hy vọng duy nhất, nếu không thì cải lương vẫn tiếp tục ngắc ngoải.
* Ngày xưa, cô hát trên các sân khấu đại bang, giờ đây hát trong những không gian nhỏ hẹp hơn, hội chợ, cô có chạnh lòng?
– Có buồn, nhưng chút xíu thôi, vì mình phải thích ứng. Sân khấu xuống sức thì nghệ sĩ cũng xuống theo, nên biết cách chấp nhận.
* Vậy cô có dự định cụ thể thời điểm sẽ ngưng hát không, thưa cô?
– Thực ra, tôi từng có ý định ngưng hát rồi, nhưng khán giả vẫn còn yêu mến, nên tôi tiếp tục. Hơn nữa, như tôi đã nói ở trên, niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ là được hát, được đứng dưới ánh đèn sân khấu.
Tôi nhìn thấy anh chị em nghệ sĩ tài năng thế hệ tôi giờ đây không còn sức để hát nữa, tôi biết họ rất buồn. Giờ thì tôi đang còn khỏe, nhưng cũng sẽ đến lúc cảm nhận không đủ sức nữa, tôi sẽ xin khán giả cho tôi được ngưng. Dù thế nào, tôi vẫn dành trọn tâm tư cho tổ nghiệp, cho sân khấu và cho khán giả.
* Cảm ơn cô. Chúc cô luôn khỏe mạnh!